Triển khai quân đội Trận_Yarmouk

Hầu hết các tài liệu ban đầu của người Hồi giáo đều cho rằng số lượng của quân Hồi giáo là ở khoảng giữa 24.000 và 40.000 người và số lượng của lực lượng Byzantine là từ 100.000 đến 200.000 người. Ước tính hiện đại về các đội quân tương ứng khá khác nhau: có ước tính rằng quân đội Byzantine chủ yếu là từ 80.000 và 120.000 người, nhưng cũng có số ước tính thấp hơn khoảng dưới 50.000 và từ 15.000-20.000 người.[39] Ước tính cho quân nhà Rashidun là từ 25.000 đến 40.000 người. Những con số này đến từ việc nghiên cứu các khả năng hậu cần của các đạo quân, tính bền vững của các căn cứ hoạt động và những hạn chế về nhân lực tổng thể ảnh hưởng đến người La Mã và người Ả Rập. Tuy nhiên hầu hết các học giả đều đồng ý rằng quân đội Byzantine và đồng minh của họ đông hơn người Ả Rập Hồi giáo khá nhiều.m[›]

Quân đội Hồi giáo Rashidun

Sau một cuộc họp hội đồng quân sự, quyền chỉ huy quân đội Hồi giáo đã được chuyển giao cho Khalid từ Abu Ubaidah,i[›] Tổng chỉ huy quân đội Hồi giáo.[40] Sau khi nắm quyền chỉ huy, Khalid tổ chức lại quân đội thành 36 chiến đoàn bộ binh và bốn chiến đoàn kỵ binh, với lực lượng kỵ binh tinh nhuệ của mình làm lực lượng cơ, được bố trí làm lực lượng dự bị.[41] Quân đội được tổ chức thành đội hình Tabi’a, một đội hình bộ binh phòng ngự chặt chẽ. Quân đội Hồi giáo đã tạo thành một mặt trận dài 12 kilômét (7,5 dặm), đối diện với phía tây, với sườn trái của nó nằm ở phía nam trên sông Yarmouk trước chỗ bắt đầu của khe núi Wadi al Allan một dặm. Cánh phải của họ nằm trên đường Jabiya ở phía bắc trên đỉnh của ngọn đồi Tel al Jumm’a,[42] giữa các chiến đoàn có một khoảng cách đáng kể để phù hợp với trận chiến đội hình dòng của người Byzantine kéo dài 13 kilômét (8,1 dặm). Cánh trung quân nằm dưới sự chỉ huy của Abu Ubaidah ibn al-Jarrah (chếch về phía trái) và Shurahbil bin Hasana (chếch về phía phải). Cánh trái dưới sự chỉ huy của Yazid và cánh phải dưới sự chỉ huy của Amr ibn al-A’as.[40] ở trung tâm, cánh trái và cánh phải đều có các chiến đoàn kỵ binh được sử dụng như là lực lượng dự trữ cho các cuộc phản công trong trường hợp họ bị đẩy trở lại bởi người Byzantine. Đằng sau cánh trung tâm là lực lượng kỵ binh tinh nhuệ cơ động nằm dưới sự chỉ huy của cá nhân Khalid. Trong trường hợp Khalid quá bận rộn trong việc lãnh đạo quân đội, Dharar ibn al-Azwar sẽ nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng cơ động.[40] Trong suốt trận đánh, Khalid nhiều lần phải sử dụng lực lượng kỵ binh dự bị có tính chất quan trọng chiến lược này. Khalid tung ra một số kỵ binh trinh sát để bám sát tình hình của quân đội Byzantine.[43] Vào cuối tháng 7 năm 636, Vahan gửi cho Jabalah các lính thiết giáp hạng nhẹ người Kitô giáo Ả Rập của ông để làm nhiệm vụ do thám, nhưng họ bị đẩy lùi bởi lực lượng tinh nhuệ cơ động. Sau cuộc giao tranh này không có cuộc đụng độ nào xảy ra trong vòng một tháng.

Vũ khí

Mũ sắt của người Hồi giáo sử dụng được mạ vàng tương tự như loại mũ sắt được mạ bạc của đế quốc Sassanid. Áo giáp lưới thường được sử dụng để bảo vệ mặt, cổ và má, hoặc như là những lưới sắt rủ xuống từ mũ, hoặc như là một kiểu mũ bảo vệ đầu bằng lưới sắt. Kiểu dép sandal hạng nặng bằng da kiểu La Mã cũng là loại được sử dụng điển hình ở binh sĩ Hồi giáo thời đầu.[44] Thiết giáp bao gồm các loại da cứng hoặc phiến giáp mỏng và giáp lưới sắt. Bộ binh được trang bị hạng nặng hơn so với kỵ binh thiết giáp. Khiên lớn được sử dụng làm bằng gỗ hoặc bằng cây liễu gai. Giáo được sử dụng là loại Long-shafted, bộ binh mang giáo dài 2,5 m (8,2 ft) và kỵ binh mang giáo dài đến 5,5 m (18 ft). Kiếm ngắn giống như đoản kiếm của bộ binh La Mã và thanh kiếm Sassanid đã được sử dụng một thời gian dài trước đó; Trường kiếm thường được sử dụng bởi các kỵ sĩ. Kiếm được buộc trong những dây buộc chéo qua vai. Cung dài khoảng 2 mét (6,6 ft) ở trạng thái chưa lắp tên-có kích thước tương tự như các cây trường cung Anh nổi tiếng. Phạm vi sát thương tối đa của các cây cung Ả Rập truyền thống thường là khoảng 150 m (490 ft). Các cung thủ Hồi giáo thuở ban đầu chỉ là những tay bộ cung chứ không phải quân cung kỵ những họ đã tự chứng minh là rất có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại các cuộc tấn công của kỵ binh hạng nhẹ và không được thiết giáp.[45]

Quân đội Byzantine

Một vài ngày sau khi người Hồi giáo đóng trại tại đồng bằng Yarmouk, quân đội Byzantine xuất hiện với người Ghassanid vũ trang nhẹ của Jabalah làm tiên phong, di chuyển về phía trước và lập các doanh trại có hệ thống phòng thủ kiên cố ở phía bắc của Wadi ar-Raqqad.[46]j[›] Sườn phải của quân đội Byzantine ở cuối phía nam của vùng đồng bằng gần sông Yarmouk và khoảng một dặm trước khi bắt đầu khe núi Wadi al Allan. Cánh trái của Byzantine ở phía bắc, chỉ cách chỗ bắt đầu ngọn đồi Jabiya một khoảng cách ngắn và khá là lộ liễu. Vahan triển khai quân của Đế quốc đối mặt với phía đông, với một mặt trận dài khoảng 13 kilômét (8,1 dặm),[47] dường như ông cố gắng bao vây toàn bộ khu vực giữa hẻm núi Yarmouk ở phía nam và con đường La Mã dẫn đến Ai Cập ở phía Bắc và một khoảng cách đáng kể được tạo ra giữa các binh đội của người Byzantine. Cánh phải được chỉ huy bởi Gregory và cánh trái được chỉ huy bởi Qanateer. Cánh trung tâm này được lập nên bởi các đội quân người châu Âu của Dairjan và người Armenia của Vahan, cả hai đội quân đều nằm dưới sự chỉ huy chung của Dairjan. Người La Mã thường xuyên có lực lượng kỵ binh hạng nặng, cataphract và lực lượng này được chia ra thành bốn đội kỵ binh có số lượng ngang bằng, các đội bộ quân được triển khai tại hàng đầu và có một đội kỵ binh làm lực lượng dự bị ở phía sau. Vahan triển khai lực lượng Kitô giáo người Ả Rập của Jabalah,[48] cưỡi ngựa và lạc đà, làm một lực lượng khinh binh để che chắn cho quân đội chính cho đến khi họ đến đầy đủ. Các nguồn tài liệu đầu tiên của người Hồi giáo nói rằng quân đội của Gregorius đã sử dụng các chuỗi dây xích sắt để nối chân của các chiến binh với nhau, những người đã thề thà chết chứ không bỏ chạy. Các chuỗi xích cứ nối 10 người làm một và được sử dụng như là một bằng chứng của lòng can đảm của những người lính, họ cho thấy sẵn sàng chết ở nơi họ đứng và không bao giờ rút lui. Các sợi dây xích cũng đóng vai trò như vũ khí để chống lại các cuộc đột phá của kỵ binh đối phương. Tuy nhiên, các sử gia hiện đại cho rằng quân Byzantine đã sử dụng testudo của Hy Lạp-La Mã, trong đội hình này binh sĩ sẽ đứng vai kề vai với lá chắn được giơ cao và sắp xếp cứ một đội có từ 10 đến 20 người, loại đội hình này có thể hướng các tấm lá chắn tới mọi phía để che tên bắn, mỗi người lính phải che chở cho một đồng đội đứng liền kề.[47]

Vũ khí

Kỵ binh Byzantine được trang bị một thanh trường kiếm được gọi là spathion. Họ cũng có một cây thương hạng nhẹ bằng gỗ được gọi là kontarion và một cây cung toxarion, mỗi người có bốn mươi mũi tên trong một chiếc bao được treo ở yên ngựa hoặc ở đai dây cương.[49] Lực lượng bộ binh hạng nặng được gọi là skoutatoi được trang bị một thanh đoản kiếm và một ngọn giáo ngắn. Lực lượng hạng nhẹ của quân đội Byzantine và các cung thủ mang một lá chắn nhỏ với một cây cung và bao tên. Kỵ binh thiết giáp trang bị áo giáp sắt dài đan bắng lưới sắt một với một mũ sắt có phần bảo về cổ họng, cằm và má. Bộ binh được trang bị tương tự với một áo giáp bằng lưới sắt, mũ sắt và áo giáp chân. Giáp phiến mỏng và giáp vảy cá cũng được sử dụng trong quân đội Byzantine.